Ngữ văn 6 - Thầy Nguyễn Phi Hùng


Tác giả văn học trong chương trình Ngữ văn 6


Tô Hoài

Tô Hoài - nhà văn của những sự lạ

Tô Hoài - nhà văn của những sự lạ
Không ai bảo ông là lập dị. Ông chủ trương sống hòa vào với đời thường, song những chuyện kể dưới đây thì quả là rất... lạ. Và người viết bài này, nếu không có một thời gian làm trợ lý cho ông ở Hội Văn nghệ Hà Nội thì hẳn cũng khó hình dung rằng ở ông lại có thể nảy sinh những chuyện dị thường như thế.
tohoai
Nhà văn Tô Hoài

Bên cạnh những tính từ biểu cảm mà các nhà thơ, nhà văn ta vẫn dùng khi ký tặng sách nhau (như “Rất yêu quý tặng...”, “Rất thân yêu tặng...”, “Rất trân trọng tặng...”) thì mấy chữ “Thân tặng...” vẫn được dùng nhiều hơn cả. Người ta có thể vung tay, hạ bút viết mấy chữ này cho những đối tượng mới gặp lần đầu mà chẳng phải đắn đo cân nhắc gì. Thậm chí, có không ít trường hợp tác giả vừa nắn nót hai chữ “Thân tặng” xong đã quay lại hỏi người đang ngồi kế bên mình: “Thân tặng gì nhỉ?”. Nghĩa là chữ “thân” ấy có thể tặng cho người “sơ” .

Nhưng với Tô Hoài thì khác, trong muôn một cách đề tặng, ông chỉ dùng độc một chữ “Tặng...” bất kể người được ông tặng sách là ai, có bề dày quan hệ như thế nào. Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên về sự “kiệm” chữ này của bậc lão làng. Chí ít thì tôi cũng là trợ lý của ông (bấy giờ ông đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội), hai bác cháu cùng làm việc trong một phòng... Nhưng rồi, nhìn sang các anh Vũ Quần Phương, Bằng Việt - những người tuổi tác hơn tôi nhiều và cũng đều là những vị có chức sắc ở Hội, thì sự tình cũng “rứa” cả. Bên trên chữ ký Tô Hoài cũng chỉ là mấy chữ “Tặng Vũ Quần Phương”, “Tặng Bằng Việt” gọn lỏn, không một chút sắc thái biểu cảm. Đem chuyện lạ này ra đặt vấn đề với chính Tô Hoài, ông hóm hỉnh giải thích: “Tôi chỉ đề “tặng” thế thôi. Nhỡ hôm nay “thân”, mai không “thân” nữa thì sao?”!

Lại hỏi chuyện ông đề tặng các bậc đàn anh, ví như với trường hợp nhà văn Nguyễn Công Hoan, liệu có gì khác không? Vì theo tôi được biết, Nguyễn Công Hoan đã từng có bài nhận xét (đã in trên báo) rất chí lý và thú vị về cuốn tiểu thuyết Đảo hoang của Tô Hoài. Lão nhà văn thoáng nhíu mày, rồi ông nguầy nguậy lắc đầu: “Với ai tôi cũng đều đề tặng vậy cả. Vả lại, tôi cũng rất ít tặng sách ai. Như cụ Hoan, cụ ấy đáng tuổi bố tôi, là bậc đàn anh của tôi trong văn chương. Nếu cụ muốn, thì cụ cứ việc đến lấy sách của tôi mang về, hoặc mượn ở thư viện Hội Nhà văn, chứ không cần tôi phải tặng”.

Công khai... sai chính tả

Trong những người viết, không phải ai cũng dám khẳng định như đinh đóng cột rằng mình không bao giờ viết sai chính tả. Tuy vậy, những lỗi này sẽ được hạn chế rất nhiều nếu ta là người đọc nhiều và chịu chú ý rút kinh nghiệm từ những lần “vấp” trước.

Không thể nói Tô Hoài là người không đọc nhiều. Hơn thế, ông còn thuộc số những người chịu đọc nhất Việt Nam. Và về số lượng đầu sách đã xuất bản (xấp xỉ 200 cuốn), ông hiện đứng ở vị trí mà không nhà văn Việt Nam nào sánh được. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy không ngăn cản khi sáng tác, Tô Hoài đã để lọt nhiều lỗi chính tả. Dường như quá mải mê vào việc sửa câu, gọt chữ, ông tỏ ra lúng túng khi đối mặt với những chữ cái có cùng phụ âm: x và s, ch và tr, l và n... hoặc giả ông cứ thế bỏ qua mà chạy theo mạch ý tưởng, phó thác mọi việc cho những người sửa morat ở các nhà xuất bản và tòa báo?

Xin được giới thiệu một trích đoạn của lão nhà văn gửi tác giả bài viết này cách đây hơn chục năm: “Phạm Khải đọc lại báo cáo này, những chỗ nào tôi viết khó xem hoặc sai chính tả thì chữa, cho in ngay theo số lượng người và nơi gửi mà công văn tôi viết đây...”. Như vậy, bạn đọc có thể thấy lão nhà văn của chúng ta ý thức rất rõ những hạn chế của mình, và ông công khai thừa nhận điều này.

Nhưng có lẽ Tô Hoài không có ý buông xuôi như vậy. Gần đây tới thăm ông, nhắc lại chuyện trên, tôi thấy ông mủm mỉm cười nói, ông đã mua một cuốn Từ điển tiếng Việt và tra cứu thường xuyên khi sáng tác. Ông nói: “Có tật phải sửa. Chứ ngần này tuổi rồi, cứ để sai chính tả mãi thế... ngượng lắm!”.

Thích phiêu lưu và chịu thu lu

Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là tác phẩm kể về cuộc phiêu lưu của chú dế mèn (truyện Dế mèn phiêu lưu ký), và tác phẩm lớn nhất của đời văn Tô Hoài là những câu chuyện kể lại cuộc phiêu lưu của chính ông. Quả tình, trong số các nhà văn Việt Nam, hiếm ai được… xuất ngoại nhiều như ông già này (dễ đến gần trăm lần, đa phần là mời đích danh). Bàn chân ông đã chuyển dịch suốt từ Đông sang Tây, từ Nam xuống Bắc, từ đền Angkor Wat ở Campuchia đến Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Tất cả những chuyến phiêu du ấy đều được ông ghi lại trong các tác phẩm của mình. Và để làm được việc này, hiển nhiên ông cũng dành không ít thời gian giam mình bên bàn viết.

Cứ theo Tô Hoài tâm sự, thì ông thuộc típ người chịu thương chịu khó. Như chú dế mèn thu lu trong tổ, ông có thể lụi cụi bên bàn viết từ ngày này sang tháng khác mà không mấy ngứa ngáy, khó chịu. Nhiều người đến thăm ông, vì không liên hệ điện thoại “đăng ký” trước nên đã phải ra về vì cụ bà đã chuẩn bị sẵn một câu trả lời thường trực, rằng cụ ông không có nhà. Thường thì Tô Hoài tập trung tinh lực để viết các cuốn truyện dài, khi nào mệt, cần xả hơi giữa chừng thì ông quay sang viết... truyện ngắn hoặc bút ký, ghi chép. Để giãn xương cốt, đôi khi ông quay về giường nằm... đọc sách.

Viết cũng là một cách... tập thể dục?

“Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm” - ấy là câu ông viết về chú dế mèn. Sự thực, ở ngoài đời, việc ăn của Tô Hoài thế nào tôi không rõ, chứ riêng khoản uống thì quả là ông cũng không được điều độ cho lắm. Nghĩa là, khi vui ông vẫn uống hết mình, bất kể sức khỏe, tuổi tác. Tôi từng chứng kiến cảnh ông say, nói năng líu ríu trong một lần ông đi nhậu cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Bạn đọc hẳn khó hình dung khi thấy một ông già đã cận kề tuổi 90, vậy mà lúc hứng lên vẫn có thể làm một hơi “đi” cả cốc rượu mạnh cỡ bự. Rượu đã vậy, bia hơi ông có thể làm tới... dăm vại.

Viết tới đây, bất giác tôi lại nhớ tới lần phóng viên Trang Dũng thực hiện bộ ảnh chân dung ông. Xong việc, hai ông cháu đi làm vài chầu bia ở quán Trâm Bầu, gần nhà ông. Khi về, Trang Dũng nắc nỏm ca ngợi phong độ của ông cụ. Còn Tô Hoài khi nhắc lại với tôi chuyện này, ông “chê” Trang Dũng “thanh niên mà uống kém quá”, khiến cho “lão già đành chỉ dừng lại ở mức... 3 vại”.

Tiếp xúc với Tô Hoài, nhiều người đã phải ngạc nhiên khi thấy ông mặc dù tuổi đã cao song sức vóc còn dẻo dai, trí tuệ còn tường minh lắm. Hỏi ông có năng tập thể dục không thì ông mủm mỉm cười, lắc đầu, nói thi thoảng nổi hứng ông mới lại bách bộ một vòng quanh hồ Thiền Quang. Ông bảo “sống chết có số” và kể chuyện ở phố Lê Trực đã xảy trường hợp vì quá ham tập thể dục mà một cụ ông đã chạy quá đà và ngã từ trên sân thượng nhà ba tầng xuống đường. Ông còn bảo, ông sẵn sàng đổi thời gian tập thể dục hàng ngày cho việc viết và xin trời phật nếu cần cứ “khấu trừ” vào tuổi thọ của ông.

Người “mát tính” ở nơi “đất nóng”

Những người từng làm việc với nhà văn Tô Hoài đều có chung nhận định, ông là người “mát tính”. Rất hiếm khi họ thấy ông to tiếng với ai, dù rằng ở ông, cái sự yêu - ghét cũng giống như nhiều người khác. Có lẽ sự từng trải đã khiến ông có được phản xạ “phớt lờ” phản ứng của người đời nếu điều ấy làm ông “mua bực vào mình”, ảnh hưởng tới tâm lý sáng tạo. Có phải thế chăng mà nhà thơ Vũ Quần Phương từng viết trên báo rằng, những khi cơ quan có “sự”, Tô Hoài thường cáo ốm để đi... nằm viện?

Chuyện kể rằng, một lần, Hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức hội nghị. Một nhân vật quá khích đã tìm cách len lên diễn đàn để phát biểu công kích lãnh đạo Hội. Song nhân vật này mới nói được vài câu mào đầu đã phải chưng hửng chuyển “đề tài” vì người cần để anh ta trút nỗi niềm là cụ Tô Hoài thì mới thoáng thấy ngồi trên hàng ghế đầu, nay đã lại ở tít mãi ngoài sân, đang đứng nói chuyện với một vị khách nào đó. Việc ông bỏ ra ngoài như thế xảy ra không ít lần. Âu cũng là một cách xì van cho quả bóng bớt “căng”?

Lại một lần khác, từ phòng Chủ tịch Hội bước ra, lão nhà văn chợt nghe thấy những tiếng gay gắt phát ra từ phòng họp của Báo Người Hà Nội. Thì ra, nữ nhà thơ Phó tổng biên tập của báo đang bị một nam cán bộ cấp dưới đập bàn, dọa dẫm. Với cương vị Chủ tịch Hội, đúng ra việc này ông cần phải hỏi rõ sự tình và có ý kiến. Song có lẽ ý thức được rằng đây là “chuyện thường ngày ở... Hội” nên lão nhà văn chỉ biết cắp catáp lỉnh vội xuống cầu thang, miệng “rền rĩ” một câu đùa (cốt để các cán bộ của báo nghe thấy): “Khổ lắm, cứ mắng mỏ “người yêu” của tôi mãi thôi...”. Mọi người nghe vậy phì cười. Hóa ra câu đùa này lại có hiệu quả.

Hội Văn nghệ Hà Nội một thời được coi là “đất dữ”. Nội bộ lục đục triền miên. Đã có lãnh đạo Hội phải “nửa đường xuống ngựa”. Nhưng với Tô Hoài thì mọi sự vẫn bình chân như vại. Thì ông đã chẳng từng phát biểu: “Ai nói ở đây thường xuyên “động đất”. Tôi làm Chủ tịch Hội tới cả 30 năm, có thấy “động” gì đâu?”. Có lẽ, sự điềm tĩnh đã giúp ông “thoát hiểm” ở một môi trường có tiếng là phức tạp này.
(Theo hanoi.vnn.vn)

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 (tức ngày 16-8 năm Canh Thân) tại thị trấn Nghĩa Đô, Tử Liêm, Hà Nội.
Quê quán: thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Nơi ở hiện nay: thị trấn Nghĩa Đô Hà Nội.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có bằng Cao đẳng tiểu học, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Naln 1957.
to hoai 03

Tô Hoài tham gia cách mạng tứ trước Cách mạng tháng Tám ( 1945) trong Hội ái hữu công nhân, Hội Văn hoá Cứu quốc.
Từ 1945 - 1958 làm phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc.
Từ 1957 - 1958 Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ 1958 - 1980 Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ 1986 - 1996 Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.

Các bút danh:

Tô Hoài, Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa.

Tác phẩm chọn lọc
150 tác phẩm, trong đó nổi bật là:

- Dế mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1942, tái bản nhiều lần);
- Quê người (tiểu thuyết, 1943, tái bản nhiều lần);
- Truyện Tây Bắc (tiểu thuyết, 1954 tái bản nhiều lần);
- Miền Tây (tiểu thuyết, 1960, tái bản nhiều lần)
- Tự truyện (hồi ký, 1965, tái bản nhiều lần);
- Quê nhà (tiểu thuyết, 1970)
- Cát bụi chân ai (hồi ký, 1991, tái bản nhiều lần);
- Tuyển tập Tô Hoài (3 tập, 1993);
- Tuyển tập truyện ngắn Tô Hoài (trước và sau 1945, 3 tập, 1994);
- Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi (2 tập, 1994).
- Ba người khác (2006)

* Nhà văn đã được nhận:
- Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (Truyện Tây bắc) ;
- Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà);
- Giải thưởng của Hội Nhà văn á-Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây).
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996).

Đoàn Giỏi

Đoàn Giỏi (17/5/1925 - 2/4/1989) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

Tiểu sử
Đoàn Giỏi sinh ở quê tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình địa chủ. Ông từng theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định trong những năm 1939-1940. Khi Cách mạng tháng Tám thành công và toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính quyền Việt Minh.
doan gioi

Trong những năm Việt Nam chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ, từng giữ chức Phó trưởng Ty thông tin Rạch Giá (1949). Từ năm 1949 đến năm 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, viết bài cho tạp chí Lá Lúa, rồi tạp chí Văn nghệ Miền Nam.

Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1955 ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn Giỏi còn có các bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

Ngoài truyện, truyện ngắn, ký, Đoàn Giỏi còn sáng tác thơ. Đất rừng phương Nam là truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ông mất ngày 2 tháng 4 năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh ung thư. Ngày 7 tháng 4 năm 2000, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đặt tên ông cho một phố thuộc Quận Tân Phú.

Tác phẩm

Truyện
* Đường về gia hương (1948)
* Cá bống mú (1956)
* Đất rừng phương Nam (1957)
* Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962)

Truyện ngắn
* Hoa hướng dương (Đoàn Giỏi) (1960)

Truyện ký
* Ngọn tầm vông (1956)
* Trần Văn Ơn (1955)
* Từ đất Tiền Giang
* Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày
* Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh


* Khí hùng đất nước (1948)
* Những dòng chữ máu Nam Kỳ 1940 (1948)
* Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
* Cây đước Cà Mau
* Tết Nguyên Đán ở Nam Bộ

Kịch thơ
* Người Nam thà chết không hàng (1947)
* Chiến sĩ Tháp Mười (1949)

Thơ
* Bến nước mười hai
* Truyện thằng Cồi
* Giữ vững niềm tin (1954)

Biên khảo
* Những chuyện lạ về cá (1981)
* Tê giác giữa ngàn xanh (1982)

Thành tựu nghệ thuật

Đoàn Giỏi là nhà văn đã biến đất rừng phương Nam trở thành thân thuộc, đáng yêu đối với độc giả, không chỉ là độc giả nhỏ tuổi. Những trang văn của ông thấm đượm hơi thở của sông nước, rừng cây, những câu chuyện cả thực cả kỳ bí của thiên nhiên Nam bộ hoang sơ và truyền được hơi thở ấy cho độc giả. Có được điều đó không những là nhờ tình yêu của ông đối với miền đất Nam bộ quê hương mà còn ở óc quan sát tỷ mỷ, tinh tế, lối văn kể chuyện hấp dẫn trong tác phẩm của mình.

Ngoài lề
Gia đình Đoàn Giỏi đã hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính phủ và, trụ sở của Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hiện nay chính là nhà của gia đình ông. Sau khi Việt nam thống nhất năm 1975 Đoàn Giỏi đi lại rất nhiều giữa hai miền Nam, Bắc nhưng không có nhà riêng, khi ở Hà Nội ông thường ở Hội nhà văn Việt Nam và khi vào Nam ở nhờ nhà bạn bè.

Trong giới văn học có kể về giai thoại Đoàn Giỏi viết "Đất rừng phương Nam". Tháng 2 năm 1957, Đoàn Giỏi nhận được đặt hàng của Hội văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ, thời gian viết trong 4 tháng. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5, khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại yêu cầu này và nhấn mạnh thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng, Đoàn Giỏi mới bắt đầu chấp bút. Chỉ trong một tháng, ông đã kịp hoàn tất tác phẩm đúng thời gian dự kiến. Tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã thành công vượt mức mong đợi. "Đất rừng phương Nam" được tái bản rất nhiều lần và được dịch và xuất bản ở Liên Xô, Hungari, Trung Quốc, Đức, Cuba...

Tương truyền, các nhà văn Nam Bộ tập kết, cùng cư trú tại nhà số 19 Tôn Đản, Hà Nội đã có câu đối giễu Đoàn Giỏi: "Ở Trung Quốc, có ông Tào Ngu mà giỏi; Ở Việt Nam có ông Đoàn Giỏi mà ngu".. Tuy nhiên, đây chỉ là câu đối vui, không hàm ý chỉ trích mà ngầm so sánh Đoàn Giỏi có vị trí tương tự như nhà viết kịch Trung Quốc Tào Ngu.

Những nhận định về tác phẩm của Đoàn Giỏi

Trong tập tiểu luận - phê bình Tiếng vọng những mùa qua của Nguyễn Thị Thanh Xuân (NXB Trẻ, 2004) nhận định về tác giả Đất rừng phương Nam: “Có mảnh đất sinh ra những nhà văn, và ngược lại, có nhà văn từ trang viết đã biến miền quê riêng của mình thành miền quê chung thân thuộc trong tâm tưởng bao người... Với Đoàn Giỏi, tôi nghĩ rằng ông đã đón nhận được cái hạnh phúc đó... Ông đã đem đến cho bạn đọc cả nước những hiểu biết và tình cảm về một vùng đất mà trước đó xa ngái, hoang sơ trong hình dung của mọi người... Ông đã xây dựng những nhân vật lòng đầy nghĩa khí mà tinh tế và giàu chất văn hóa..." (Đoàn Giỏi, đất và rừng phương Nam).

TS Phạm Văn Tình trong bài Mái đình - nét đẹp trong hồn quê Việt Nam viết: "Nhà văn Đoàn Giỏi, trong bài tùy bút “Măng tầm vông” đã có những dòng thật cảm động, mô tả tâm trạng của người con miền Nam tập kết ra Bắc, ngồi trên thuyền nhìn lại xóm làng của mình lần cuối: “Tôi đứng mãi trên boong, chờ đợi phút qua ngang nhà. Làng tôi, xanh ngắt những tàu dừa, tàu chuối. Mái đình cháy hơn một nửa, nhô ra giữa rặng cây. Bờ tầm vông thấp thoáng, ngọn tầm vông hoe vàng trong ánh nắng một chiều thu".

“Mái đình cháy hơn một nửa" - vết tích của chiến tranh tàn phá, như một nỗi đau gieo giữa lòng nhà văn, một người con sắp tạm rời xa xứ sở. Đấy là nỗi đau đau đáu của dân tộc bao nhiêu năm. Đó là một mảnh hồn quê, làm nên một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người và toả sáng trong những áng thơ văn.

Tạ Duy Anh

Tiểu sử:
Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Việt Dũng, sinh ngày 9/9/1959 tại xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Ðông, đã trải qua những thời kỳ nhập ngũ, giải ngũ, làm việc tại công trường thủy điện Hòa Bình và từ đó bắt đầu viết văn. Theo học trường viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp khóa IV, làm cán bộ giảng dạy tại trường. Tạ Duy Anh là hội viên Hội Nhà Văn từ 1993.
ta duy anh

Bút danh: Tạ Duy Anh, Lão Tạ, Bình Tâm.

Thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết.

Các tác phẩm:
*Bước qua lời nguyền (1990)
*Khúc dạo đầu (1991)
*Đi tìm nhân vật
*Lão Khổ (1992)
*Hiệp sĩ áo cỏ
*Thiên thần sám hối
*Luân hồi (1994)
*Bến thời gian

Võ Quảng

Võ Quảng - cuộc đời và sự nghiệp

Võ Quảng (1920-2007) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu tập trung về đề tài thiếu nhi. Ông cũng là người đầu tiên dịch tác phẩm "Don Quixote" sang tiếng Việt dưới bút danh Hoàng Huy từ năm 1959. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thường Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. vo quang
Nhà văn Võ Quảng
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương

Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1920, tại xã Đại Hòa huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Năm 1935, trong khi đang theo học Tú tài ở Quốc học Huế, ông tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế, năm 1939 làm tổ trưởng tổ Thanh niên Phản đế ở Huế. Tháng 9 năm 1941, bị chính quyền Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, sau đó bị đưa đi quản thúc vô thời hạn ở quê nhà.

Sau khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông được chính quyền Việt Minh cử làm ủy viên Tư pháp thành phố Đà Nẵng. Khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được cử vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1947 đến 1954, làm Hội thẩm chính trị (tức là Phó Chánh án) tòa án quân sự miền Nam Việt Nam. Thời gian này, ông cũng có sáng tác một số tác phẩm thơ dành cho thiếu nhi.

Sau khi tập kết ra Bắc, ông được điều về công tác ở chức vụ Ủy viên Ban nhi đồng Trung ương, phụ trách văn học cho thiếu nhi. Ông là một trong những người tham gia sáng lập và từng giữ chức Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, Một thời gian sau đó, ông được cử làm Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam. Năm 1965, ông được kết nạp làm Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1968, ông về công tác tại Bộ Văn hóa, năm 1971, về Hội Nhà văn Việt Nam, được phân công làm chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam và giữ chức vụ này đến khi về hưu.

Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Ông qua đời lúc 11 giờ 20 phút ngày 15 tháng 6 năm 2007 tại Hà Nội. Mộ phần của ông đang đặt tại nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc.

Tác phẩm

Nhà văn Võ Quảng là người viết nhiều truyện và thơ cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm được các thế hệ yêu thích như:

* Cái Thăng (truyện 1961)
* Thấy cái hoa nở (thơ 1962)
* Chỗ cây đa làng (1964)
* Nắng sớm (thơ, 1965)
* Cái Mai (1967)
* Những chiếc áo ấm (truyện 1970)
* Anh Đom đóm (thơ, 1970)
* Măng tre (thơ, 1972)
* Quê nội (truyện 1973)
* Tảng sáng (truyện 1973)
* Bài học tốt (truyện, 1975)
* Gà mái hoa (thơ 1975)
* Quả đỏ (thơ 1980)
* Vượn hú (truyện 1993)
* Ánh nắng sớm (thơ 1993)
* Kinh tuyến, vĩ tuyến (truyện 1995)
* Sơn Tinh Thủy Tinh, Con 2 (kịch bản phim hoạt hình).

Võ Quảng - nhà văn của thiếu nhi

Đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật của Võ Quảng là bộ tiểu thuyết Quê nội Tảng sáng phản ánh sinh động những thay đổi sâu sắc ở một vùng quê mà Cách mạng tháng Tám vĩ đại đã đem lại sự hồi sinh cho mỗi người dân. Tác giả đã để ra mười lăm năm năm tâm huyết cho bộ sách này.
Nhà phê bình Lê Quang Trang nói về công phu của Võ Quảng khi viết tác phẩm này như sau: "So với bản thảo đầu số chữ còn lại khoảng một phần tư. Bản thảo được chữa đi chữa lại năm lần. Có nhiều chương chữa tới sáu lần. Đấy là không kể các chi tiết câu chữ được sửa chữa thường xuyên do một ý nghĩ bất chợt nảy sinh ra. Ngay Quê nội khi in lần thứ tư (ở XBKĐ - 1983) tác giả vẫn nghiền ngẫm tiếp thu những ý kiến phê bình góp ý của đồng nghiệp mà ông thấy hợp lý để sửa chữa cho hoàn chỉnh tới mức cao nhất".
que noi
Tiểu thuyết Quê nội của Võ Quảng
Sự lao động cần mẫn và nghiêm túc đó đã đưa ông đến thành công. Về tác phẩm này giáo sư Phong Lê nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam đã viết: "Những trang viết thật dồi dào biết bao những hình ảnh sống động, văn phong được cân nhắc đến từng câu chữ, sao cho lột được thần sắc âm thanh đích thực của cuộc đời". "Một chất thơ được phát hiện không phải bằng quan sát của mắt thường mà bằng con mắt của trái tim, con mắt của tấm lòng".
Nhà văn Nguyễn Tuân tâm sự: "Riêng phần tôi ngoài truyện Tảng sáng tôi lại thích truyện Quê nội.
Nhà văn Tô Hoài viết: "Một nhà thơ dùng lối tiểu thuyết viết lại những kỷ niệm đối với quê hương. Trong văn học Việt Nam chúng ta đã được đọc những tác phẩm hay như Chiếc cánh xanh của Lưu Trọng Lư, Phấn thông vàng của Xuân Diệu. Nhưng Quê nội của nhà thơ Võ Quảng có vẻ đẹp cao rộng hơn".
Theo nhà văn Trần Thanh Địch thì: "Đến Quê nội, Tảng sáng cương vị một nhà văn có tài năng của anh đã rõ rệt... truyện như một mùi hương ngâu mê say có sức hấp dẫn và quyến rũ lạ lùng". Nhà văn Hoàng Tiến đã có hẳn một bài viết đặc sắc về thanh nhạc trong văn xuôi Võ Quảng mà cụ thể là nhạc văn trong hai cuốn truyện Quê nộiTảng sáng.
Nhà văn Alice Kahn người dịch Quê nội sang tiếng Pháp đã viết: "Khi giới thiệu quyển truyện Quê nội người ta bảo tôi: Đây là một loại Tom Sawyer của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích quyển sách Tom Sawyer với nhân vật Hucklebery Finn. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng, tôi cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn". Ai cũng biết Tom Sawyer là kiệt tác của nhà văn Mỹ Măc Tuên. Như vậy thật vinh dự biết bao cho văn học Việt Nam khi nhà văn Pháp A. Kahn thông qua so sánh đã đặt Quê nội lên tầm kiệt tác.

Võ Quảng cũng có một thế giới thơ thật hồn nhiên tươi trẻ. Thơ ông có bản sắc riêng thật khó mà trộn lẫn. Đó là cái nhìn luôn mới mẻ độc đáo, nhưng luôn ẩn chứa trong đó một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một anh đom đóm lên đèn đi gác, đi suốt đêm để lo cho mọi người yên giấc, một cành mai biết vượt bao khó khăn để nở hoa đúng dịp Tết đến. Hay như một chồi non bật vỏ khoác áo màu xanh biếc đứng giữa trời... Biết bao sự sống bình dị trong con mắt của Võ Quảng bỗng trở nên mới lạ diệu kỳ. Thơ ông rất thơ ngay từ trong cách nhìn kỳ ảo. Một đặc trưng trong thơ Võ Quảng là tính nhạc điệu lan toả trong từng câu thơ. Ông có biệt tài bắt chước tiếng kêu của những con ếch, con chẫu chàng, con ếch ương và đưa nó vào thơ thật nhuần nhuyễn như trong bài thơ Chăm học. Những âm thanh như tiếng gõ cửa, tiếng mưa rơi, tiếng gió, tiếng xe cút kít, tiếng ru hời... được ông đưa vào thơ để tạo nên chất nhạc vừa thực mà lại vừa lạ biết bao. Nét đẹp trong thơ Võ Quảng còn nằm ở màu sắc. Đó là mảng màu thật sự tươi rói hơn nhờ cảm quan vừa tinh tế vừa giàu có của người nghệ sĩ đã thổi linh hồn vào hình tượng nghệ thuật. Thơ ông còn có nhiều tiếng cười vui tươi dí dỏm, thường có ở những người sáng tạo nghệ thuật cho thiếu nhi. Võ Quảng thực sự đã góp được một tiếng thơ thật đặc sắc trong làng thơ Việt Nam.

(Theo Hoàng Hiếu)

An-phông-xơ Đô-đê

Alphonse Daudet là một văn sĩ Pháp vào thế kỷ thứ 19. Sanh tại Nime, miền Nam nước Pháp vào ngày 13 tháng 5 năm 1840. Gia đình đã rời quê lên Lyons khi xí nghiệp tơ vải của cha ông bị suy sụp và phải đóng cửa. Ông theo tiếp tục bậc trung học tại đây nhờ một bổng, nhưng cuối cùng phải bỏ học hẳn khi cuộc hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ. Daudet theo chân anh là Ernest đến Paris và được nhận vào làm ký giả cho tờ Figaro. alphonse daudet

Ông bắt đầu viết từ năm 14 tuổi, đến năm 18 tuổi Daudet ra thi tập Những người đàn bà đang yêu (Les Amoureuses, 1857) và được đón nhận ngay. Ðộc giả Pháp đặc biệt yêu mến ông qua các tiểu thuyết Thằng nhóc con (Le Petit Chose), gần như là thiên hồi ký của thời niên thiếu đau khổ của chính mình mà đôi khi cũng được ví với nhân vật trong tác phẩm David Copperfield của đại văn hào Charles Dickens của Hoa Kỳ. Sau đó là tập thi tuyển Những lá thư từ cối xay của Tôi (Lettres de Mon Moulin), bao gồm các bài thơ đề tặng cho Marie Rieu xuất bản năm 1866. Ông đạt đến danh vọng trong làng văn chương Pháp qua giải thưởng Văn chương Pháp với quyển Fromont cháu trẻ và cụ Riler (1874) .

Ðôi với các phê bình gia thì trường thiên tiểu thuyết Tartarin vùng Tarascon (1872) gồm ba quyển là tác phẩm quan trọng và đặc sắc nhất của Alphonse Daudet. Những năm sau ông viết nhiều tiểu thuyết cũng thành công không kém, qua các đề tài xã hội của một nước Pháp dân chủ thay thế cho chế độ quân chủ. Ðó là các tác phẩm Những vị vua lưu vong, và Le Nabab, mô tả những nhà triệu phú mới của thế hệ.

Văn phong của Daudet giản dị, nhưng lưu lại cho độc giả những cảm giác nhẹ nhàng, lắng sâu với những câu chuyện kể như chuyện cổ tích, với các nhân vật mà độc giả cảm thấy rất gần gũi. Thế nên các tác phẩm đầu đời của ông được liệt vào khuynh hướng thiên nhiên, còn các tác phẩm sau thuộc vào trường phái hiện thực. Ông diễn tả sự việc một cách xác thực, mà không yếm thế, hay có giọng văn mỉa mai, tàn bạo như các đồng nghiệp cùng thời trước sự thay đổi quá nhanh của thời cuộc. Tập truyện Những chuyện kể ngày thứ hai là tiêu biểu nhất về văn phong của Alphonse Daudet. Ông mất năm 1897 tại Paris.

Những vì sao, được trích ra từ tập truyện Những lá thư từ cối xay của tôi (Lettres de mon Moulin), là chuyện trẻ con Pháp được học ngày thơ ấu . Những lá thư từ cối xay của tôi là những mẩu chuyện ngắn với những hình ảnh thật hiền hòa, dễ thương của đồng quê: cái cối xây, cánh đồng xanh, suối chảy róc rách, đêm đầy sao, cùng những người chân chất, thật thà, cậu bé chăn dê, ông già Cornille bám vào cái cối xay cuối cùng vào thời kỳ mà những máy xay lúa bằng hơi tới thay các máy xay bằng gió của nhiều thế hệ qua. Sau hơn ba mươi năm tình cờ đọc lại Những vì sao, người dịch vẫn có cùng cảm giác như thuở ngồi ghế nhà trường: một tình cảm dịu dàng, trong sáng của tuổi trẻ, của thiên nhiên. Xin mời độc giả trở về thời kỳ đời sống làng quê mộc mạc nhưng đầy tình người.

Minh Huệ

Minh Huệ tên thật: Nguyễn Đức Thái, sinh năm: 1924 mất ngày 11/10/2003. Quê ông ở Bến Thủy, Thành phố Vinh, Nghệ An.

Ông sử dụng những bút danh: Minh Huệ, Mai Quốc Minh, Nguyễn Thái
minh hue
Nhà thơ Minh Huệ đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác: hội trưởng Hội Sáng tác văn nghệ Liên khu 4; trưởng ban thơ - lý luận phê bình Nhà xuất bản Văn Học; trưởng Ty văn hóa Nghệ An; bí thư Đảng đoàn kiêm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An; hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957); ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Minh Huệ sáng tác ở các thể loại: thơ, bút ký, tiểu thuyết, tiểu luận. Các tác phẩm chính:

* Tiếng hát quê hương (1959)
* Đất chiến hào, (1970)
* Mùa xanh đến (1972)
* Đêm nay Bác không ngủ (1985)
* Rừng xưa rừng nay (1962)
* Ngọn cờ Bến Thủy (truyện ký, 1974-1979)
* Người mẹ và mùa xuân (truyện ký, 1981)
* Phút bi kịch cuối cùng (1990)
* Thưởng thức thơ viết về Bác Hồ (1992)
* Dòng máu Việt Hoa (1954)

Tố Hữu

Tiểu sử nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu (tên thật là Nguyễn Kim Thành; 1920–2002) là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam.

Tiểu sử

Ông sinh tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất thương con. Cha mẹ cùng quê hương Huế đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.
to huu
Mẹ ông mất vào năm ông lên 12 tuổi. Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học (Huế). Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky... qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ (Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với ý tưởng cộng sản. Ông gia nhập Đoàn thanh niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1938.

Tháng 4 năm 1939, ông bị bắt, bị tra tấn và giam tại nhiều nhà tù miền Trung như Lao Bảo, Huế, Ban Mê Thuột...

Cuối năm 1941, ông vượt ngục về hoạt động bí mật ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông là chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của thành phố Huế. Năm 1946, ông là bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước:

* 1948: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam;
* 1963: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam;
* Tại đại hội Đảng lần II (1951): Ủy viên dự khuyết Trung ương; 1955: Ủy viên chính thức;
* Tại đại hội Đảng lần III (1960): vào Ban Bí thư;
* Tại đại hội Đảng lần IV (1976): Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương;
* Từ 1980: Ủy viên chính thức Bộ Chính trị;
* 1981: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng cho tới năm 1986. Ngoài ra ông còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương.

Năm 1958, ông tham gia dập tắt phong trào Nhân văn-Giai phẩm của các văn nghệ sĩ miền Bắc.

Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minhvề VHNT đợt 1

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.

Ông mất 9h15' ngày 9 tháng 12 năm 2002 tại Bệnh viện 108.

Sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu

Các tác phẩm
* Từ ấy (1946)
* Việt Bắc (1954)
* Gió lộng (1961)
* Ra trận (1962-1971)
* Máu và Hoa (1977)
* Một tiếng đờn (1992)
* Ta với Ta (1999).
tho to huu
Giải thưởng

* Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (tập thơ Việt Bắc)
* Giải thưởng văn học ASEAN (1996)
* Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (đợt 1, 1996)

Phong cách nghệ thuật

Tố Hữu thường sáng tác với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu thường thể hiện những vấn đề lớn về Đảng, về đất nước và thường hướng đến khơi dậy niềm vui, niềm tin, hướng tới tương lai. Tuy nhiên ông không tránh khỏi sa đà vào việc ca ngợi một chiều Đảng, Nhà nước. Nhiều lúc để phù hợp với tình hình, thơ Tố Hữu trở thành những lời kêu gọi, hiệu triệu mà nhiều khi cảm xúc không theo kịp, khiến tác phẩm mất hết cả chất thơ.
Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Ông có khả năng "thơ hoá" các vấn đề chính trị "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên trình độ là thơ rất đỗi trữ tình." (Xuân Diệu. Máu và Hoa, con đường của nhà thơ Tố Hữu (tiếng Pháp). Liên hiệp các nhà xuất bản, Paris, 1975)
Thơ Tố Hữu, dễ cảm, dễ tiếp thu, nặng về tính truyền thống hơn là sự tìm tòi đổi mới theo hướng hiện đại hoá. Tố Hữu rất thường dùng các biện pháp tu từ quen thuộc trong ca dao dân ca, và nhiều hình ảnh ước lệ cũng rất quen. Giọng thơ thường là giọng tâm tình, ngọt ngào, ảnh hưởng nhiều bởi dân ca, nhất là dân ca Huế.
Thơ Tố Hữu ít có sự gọt giũa về nghệ thuật, chủ yếu là thể hiện tình cảm, với giọng thơ ngọt ngào, tâm tình. Đây là một nét thơ đặc trung của Tố Hữu, có điều lắm khi "ít gọt giũa" cũng là nhược điểm chí mạng của ông.


Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa (sinh ngày 24 tháng 4 năm 1958), quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện là trưởng ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. tran dang khoa
Tiểu sử

Từ nhỏ ông đã được nhiều người cho là thần đồng thơ văn. Lên 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo. Năm 1968, khi mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên của ông Từ góc sân nhà em (tập thơ tiếp theo là Góc sân và khoảng trời) được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Có lẽ tác phẩm nhiều người biết đến nhất của ông là bài thơ Hạt gạo làng ta, sáng tác năm 1968, được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính, sau được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc (1971).

Trần Đăng Khoa nhập ngũ tại Trường Lục quân Việt Nam, làm lính hải quân. Sau đó ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du và được cử sang học tại Viện Văn học Thế giới mang tên M.Goocky thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Khi trở về nước ông làm biên tập viên Văn nghệ quân đội. Từ tháng 6 năm 2004, khi đã mang quân hàm thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, ông chuyển sang phụ trách Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam.

Những tác phẩm đáng chú ý

Trần Đăng Khoa không có nhiều tác phẩm, và danh hiệu "thần đồng thơ trẻ" của nhà thơ thời thơ ấu không hề liên quan hay được nối tiếp đến quãng đời về sau khi nhà thơ vào lính, theo học ở Nga, khi về nước làm biên tập viên, làm báo. Thi hứng một thời, hiển nhiên, không là động lực cho xúc cảm khi tác giả đã cao tuổi. Những tác phẩm lớn nhất của Trần Đăng Khoa còn được mọi người biết đến:

* Từ góc sân nhà em, 1968.
* Góc sân và khoảng trời, tập thơ, 1968, tái bản khoảng 30 lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới
* Khúc hát người anh hùng, trường ca, 1974.
* Bên cửa sổ máy bay, tập thơ, 1986.
* Chân dung và đối thoại, tiểu luận phê bình, Hà Nội: Nxb Thanh niên, 1998, tái bản nhiều lần, gây tiếng vang trên văn đàn những năm bế tắc của phê bình văn học Việt Nam

Giải thưởng

Ông 3 lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).

Nguyễn Tuân

Con người và cuộc đời Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 – 28 tháng 7 năm 1987) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác giả của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Hà Nội có một con đường mang tên ông.
nguyen tuan
Sơ lược tiểu sử

Ông quê ở xã Nhân Mục (tên nôm là Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.

Nguyễn Tuân học đến cuối bậc thành chung (trung học cơ sở) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929). Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì "xê dịch" qua biên giới không có giấy phép. Ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.

Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1930, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi... Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa vì giao du với những người hoạt động chính trị.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1958, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam.

Các tác phẩm chính sau cách mạng của Nguyễn Tuân là tập bút ký Sông Đà (1960), một số tập ký chống Mỹ (1965-1975) và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước.

Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987, để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa. Năm 1996 ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Vài nét tính cách

* Nguyễn Tuân yêu Việt Nam với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng Việt, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà..., những nhạc điệu hoặc đài của các lối hát ca trù hoặc dân dã mà thiết tha, nh­ững nét đẹp rất riêng của Việt Nam.

* Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là "chủ nghĩa xê dịch". Lối sống tự do phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa.

* Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Ông còn là một diễn viên kịch nói và là một diễn viên điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.

* Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí "khổ hạnh" và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy.

Sự nghiệp sáng tác và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Sự nghiệp văn chương

Quá trình sáng tác và các đề tài chính của Nguyễn Tuân:

Nguyễn Tuân không phải là nhà văn thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay. Ông đã thử bút qua nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Nhưng mãi đến đầu năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với các tác phẩm: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua...
vang bong mot thoi
Tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân

Tác phẩm Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám chủ yếu xoay quanh ba đề tài: "chủ nghĩa xê dịch", vẻ đẹp "vang bóng một thời", và "đời sống truỵ lạc".

Nguyễn Tuân đã tìm đến lí thuyết "chủ nghiã xê dịch" này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về "chủ nghĩa xê dịch", Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và phong vị của đất nước mà ông đã ghi lại được bằng một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa (Một chuyến đi).

Không tin tưởng ở hiện tại và tương lai, Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp của quá khứ còn "vang bóng một thời" ông mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã. Tất cả được thể hiện thông qua những con người thuộc lớp người nhà Nho tài hoa bất đắc chí, tuy đã thua cuộc nhưng không chịu làm lành với xã hội thực dân (như Huấn Cao trong Chữ người tử tù).

Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống truỵ lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật "tôi" hoang mang bế tắc. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao (Chiếc lư đồng mắt cua).

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất.

Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.

Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông".

Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời. Sau Cách mạng, ông không đối lập giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn Nguyễn Tuân thì bao giờ cũng vậy, vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại.

Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội...

Nguyễn Tuân cũng là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi sông cây cỏ trên đất nước mình. Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tuỳ bút như một điều tất yếu.

Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con ngừơi thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sỹ ở cả nhân dân đại chúng. Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội.

Tác phẩm

* Ngọn đèn dầu lạc (1939)
* Vang bóng một thời (1940)
* Chiếc lư đồng mắt cua (1941)
* Tàn đèn dầu lạc (1941)
* Một chuyến đi (1941)
* Tùy bút (1941)
* Tóc chị Hoài (1943)
* Tùy bút II (1943)
* Nguyễn (1945)
* Chùa Đàn (1946)
* Đường vui (1949)
* Tình chiến dịch (1950)
* Thắng càn (1953)
* Chú Giao làng Seo (1953)
* Đi thăm Trung Hoa (1955)
* Tùy bút kháng chiến (1955)
* Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956)
* Truyện một cái thuyền đất (1958)
* Sông Đà (1960)
* Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)
* (1976)
* Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981, tập II: 1982)
* Yêu ngôn (2000, sau khi mất)

Kết luận

Có người nói, Nguyễn Tuân là một cái định nghĩa về người sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Nhưng Nguyễn Tuân, xét từ bản chất, không phải là người theo chủ nghĩ hình thức. Tài phải đi đôi với tâm. Ấy là "thiên lương" trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục.

Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách ấy nữa. Văn Nguyễn Tuân, tuy thế, không phải ai cũng ưa thich. Vả lại một số bài viết của ông cũng có nược điểm: mạch văn quá phóng túng theo lối tùy hứng, khó theo dõi; nhiều đoạn tham phô bày kiến thức và tư liệu khiến người đọc cảm thấy nặng nề...

Thép Mới

Thép Mới: tên thật là Hà Văn Lộc sinh năm 1925, mất năm 1991. Quê: phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội
Các bút danh: Thép Mới, Phượng Kim, Hồng Châu.
Thể loại sở trường: ký.
thep moi
Tiểu sử.

- Năm 1938, vào Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Nam Định.
- Từ năm 1944 đến 8/1945, tham gia Thanh niên Cứu quốc. Bút danh Thép Mới xuất hiện lần đầu tiên trên báo "Cờ Giải phóng" với bài "Trung thu độc lập".
- Tháng 12.1946, công tác ở báo "Cứu quốc".
- Năm 1947, biên tập viên, phóng viên báo "Sự thật".
- Từ tháng 2.1951, công tác ở báo "Nhân dân".
- Năm 1962, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
- Năm 1964, đặc phái viên của báo "Nhân dân" ở chiến trường Miền Nam.
- Từ 1968 đến 1971, uỷ viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, tổng biên tập báo "Giải phóng".
- Từ 1972, phó tổng biên tập báo "Nhân dân".
- Từ 1988 đến 1991, bình luận viên cao cấp báo "Nhân dân", công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào tuổi 20, Thép Mới tham gia phong trào sinh viên cứu quốc, vǎn hóa cứu quốc và tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Thôi Hữu, Thép Mới trở thành nhà báo cách mạng chuyên nghiệp của Đảng. Từ bài báo đầu tiên Vǎn chương và thời cuộc đǎng trên báo Tự Trị của Tổng hội sinh viên Việt Nam, số tháng 6 nǎm 1945 ký tên Hà Vǎn Lộc, đến bài Tân trào nhập vào Hà Nội - bài viết cuối cùng của Thép Mới đǎng báo Nhân Dân giữa tháng 8/1991, Thép Mới luôn là một phóng viên thực thụ. Anh không hứng thú chức tước, tiền bạc càng không màng.
Khi được hỏi: Tại sao lại lấy bút danh là Thép Mới? Ông đã trả lời: "Thép là Thép đã tôi thế đấy cuốn sách mình dịch ra tiếng Việt của nhà vǎn Xô Viết N.A.Ô-xtơ-rôp-ki; còn Mới là không cũ.

Cả cuộc đời nửa thế kỷ cầm bút, Thép Mới luôn gắn bó máu thịt với cách mạng, với nhân dân, buồn vui với số phận thǎng trầm của cách mạng, của nhân dân.Hiện nay ở Sài Gòn có một đường phố mang tên Thép Mới gần ngã tư Bẩy Hiền, nơi Mậu Thân 68 anh đã từng sống và chiến đấu như một người lính thực sự.

Các tác phẩm:

- Kháng chiến sau luỹ tre, trên đồng lúa (1947)
- Ý nghĩ người phóng viên kháng chiến (1948)
- Trách nhiệm (1951)
- Trường Sơn hùng tráng (1967)
- Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam (1964)
- Cây tre Việt Nam
- Sáng đỉnh Trường Sơn

Giải thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhì và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

I-li-a E-ren-bua

Tiểu sử

Ilia Grigor'evich Erenburg; sinh năm 1891 mất năm 1967, nhà văn Nga Xô Viết, nhà hoạt động xã hội. Ông đã sống nhiều năm ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha; làm phóng viên trong chiến tranh; đại diện cho các nhà văn Liên Xô tại các hội nghị quốc tế bảo vệ hoà bình, văn hoá, chống chủ nghĩa phát xít. Phó chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới (1950), đại biểu Xô Viết Tối cao Liên Xô (1950).
erenbua
Các tác phẩm:

- Tiểu thuyết Khuliô Khurenitô (1922), Pari sụp đổ (1941) phê phán xã hội tư sản Châu Âu và chiến tranh đế quốc.
- Tiểu thuyết Ngày hôm sau (1933) viết về cuộc sống trên đất nước Xô Viết, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ca ngợi con người mới.
- Tiểu thuyết Bão táp (1946 - 47) viết về Chiến tranh thế giới II (1939 - 45).

Êrenbua còn có nhiều tập thơ, tiểu luận, phê bình, chân dung văn học. Tập hồi kí nghệ thuật Con người, năm tháng, cuộc đời (1961 - 65) gồm 6 tập, ghi lại những quan sát và cảm xúc qua nhiều năm hoạt động văn học, xã hội.

Các giải thưởng

- Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1942, 1948).
- Giải thưởng Hoà bình quốc tế Lênin (1952).

Duy Khán

Tiểu sử
Tên khai sinh: Nguyễn Duy Khán. Sinh ngày 6 tháng 8 năm 1934. Quê gốc xã Nam Sơn huyện Quế võ, tỉnh Bắc Ninh. Mất ngày 29 tháng 1 năm 1993 tại Hải Phòng. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Duy Khán sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, học dở dang trong vùng tạm chiếm, trốn ra vùng tự do nhập ngũ. Trước ở bộ binh, sau về quân chủng Phòng không – không quân. Từng làm giáo viên văn hoá trong quân đội, sau chuyển làm phóng viên phát thanh quân đội. Về tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập viên, phóng viên năm 1972.
duy khan

Tác phẩm đã xuất bản
- Trận mới (Thơ, 1972)
- Tâm sự người đi (Thơ, 1987)
- Tuổi thơ im lặng (Truyện, 1986)

Giải thưởng
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1987 cho tác phẩm Tuổi thơ im lặng
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007