Tiếng Anh


Phương pháp học Tiếng Anh


7 kinh nghiệm học tốt tiếng Anh

009.jpg7 kinh nghiệm học tốt tiếng Anh

Theo ông Tim Hood, Phó giám đốc Hội đồng Anh, học tiếng Anh không nhất thiết chỉ tập trung vào học ngữ pháp và làm bài tập. Cái chính là phải chọn cách học hợp lý, đôi khi những công việc đơn giản hàng ngày cũng giúp ta luyện tập tiếng Anh. Dưới đây là kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy Anh văn của ông.

1. Thích nói tiếng Anh và thoải mái khi nói

Khi sử dụng tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi. Nếu bạn không mắc lỗi, có nghĩa là bạn không học được gì. Thường thì khi bạn sẽ mắc những lỗi nho nhỏ khi nói tiếng Anh với người nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.

2. Xác định xem bạn thích hợp với cách học nào

Nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà mình yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa tiếng Anh và hình ảnh ví dụ bạn có thể xem phim có phụ đề tiếng Anh, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng tiếng Anh, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Anh càng tốt và xem các phim tiếng Anh. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và so sánh tiếng Việt với tiếng Anh.

Dĩ nhiên, một người học tiếng Anh tốt sẽ dành thời gian cho tất cả những việc này. Đáng tiếc là trên thế giới, rất nhiều người vẫn bị dạy theo cách truyền thống là chỉ chú trọng vào ngữ pháp và nghe.

3. Học cách ghi nhớ

Bạn có thể luyện trí nhớ của mình qua rất nhiều sách hướng dẫn. Hầu hết tất cả các học sinh giỏi tiếng Anh đều rất coi trọng việc này.

4. Tạo ra cho mình một môi trường tiếng Anh

Một doanh nhân thành đạt người Tây Ban Nha đã học tiếng Anh bằng cách dán những mẩu giấy vàng khắp nơi trong nhà mình để đi tới đâu dù là xuống bếp pha một tách cà phê, vào nhà tắm cạo râu hay dùng điều khiển ti-vi để đổi kênh, anh đều nhìn thấy những từ ghi trên đó. Khi anh đã thuộc những từ này rồi, anh thay bằng những từ mới. Bằng cách này, ngày nào anh cũng học được khoảng 10 từ, cả 7 ngày trong tuần. Bạn hãy tranh thủ đọc, nghe và nói tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc.

5. Hãy nối mạng

Một cô gái người ngoại thành Hà Nội. Cứ 3 lần một tuần, cô đi xe máy đến một nơi mà cô có thể nói tiếng Anh với những người bạn của mình tại Anh, Úc và Mỹ. Đó là một quán cà phê Internet có dịch vụ voice chat.

Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.

6. Học từ vựng một cách có hệ thống

Xin bạn lưu ý rằng học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn:

Chủ đề: shopping, holidays, money vv…

Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake vv…

Động từ kép: to grow up, to fell off, to look after vv...

Ngữ cố định: on the other hand, in my opinion, by the way vv...

Thành ngữ: once in a blue moon, to be over the moon, out of the blue vv…

Ngữ có giới từ: at night, at the weekend, in March, in 2003 vv…..

7. Bạn hãy phấn khích lên

Bạn hãy khởi động và làm ngay những việc bạn có thể làm ngày hôm nay, đừng để đến ngày mai. Hồi còn ở London, tôi có một cô bạn người Thái Lan theo học nghành thiết kế thời trang. Cô ấy nói tiếng Anh rất siêu. Từ khi cô 15 tuổi, cô đã tự xác định mục đích và ước mơ của mình là học ngành thời trang ở London. Cô đã tìm hiểu mức điểm IELTS cần thiết để có thể vào trường mà cô mơ ước rồi bắt tay vào học tiếng Anh ngay lập tức. Đến năm 19 tuổi, nghĩa là đã đủ tuổi để được nhận vào học, thì cô đã sẵn sàng mọi thứ. Sự khởi đầu sớm của cô quả là khôn ngoan vì một năm sau, khi khoá học kết thúc, cô trở về Thái Lan thì lúc đó bạn bè cô vẫn đang cần mẫn học tiếng Anh chờ thời điểm đi nước ngoài. Bây giờ thì cô ấy đã là một người nói tiếng Anh thành thạo, có trình độ và thành đạt.

Xem phim tiếng Anh

002.jpg Xem phim tiếng Anh

Ta có vô số phim tiếng Anh của Hollywood. Nếu bạn biết tiếng Anh và thích xem phim thì xem phim bằng tiếng Anh là một việc làm sáng suốt. Bạn vừa có thể giải trí, lại vừa học được rất nhiều.

1. Tại sao nên xem phim tiếng Anh

Nếu bạn thực sự quan tâm đến điện ảnh, bạn thấy ngay là xem phim gốc hay hơn phim lồng tiếng rất nhiều. Trong phim gốc giọng của diễn viên là giọng thật. Mọi thứ đúng theo ý‎ đồ của đạo diễn.

Học tiếng Anh bằng cách xem phim tiếng Anh là cách học tiếp thu trực tiếp. Bạn sẽ thu thập được rất nhiều câu nói chuẩn. Sau đó bắt chước và biến chúng thành của mình. Chẳng phải mục đích học tiếng Anh là để có thể tự diễn đạt đấy sao? Đó là lí do tại sao xem phim (cũng như đọc sách) là cách học tiếng Anh rất tốt.

Tất nhiên, có sự khác biệt rõ nét giữa phim và sách. Đọc sách, bạn có thể học cách người bản xứ viết. Xem phim, bạn học cách người bản xứ nói.

+ Bạn học được nhiều từ: khi nói, người bản xứ không dùng các từ như trong khi viết. Ngôn ngữ nói khác với ngôn ngữ viết. Ví dụ:

- Ngôn ngữ viết: The price of five dollars was acceptable, and I decided to purchase it. (Giá 5 đô-la là hợp lí, tôi quyết định mua).

- Ngôn ngữ nói: It was, like, five bucks, so I was like "okay".

Trong nhiều bộ phim, các đoạn hội thoại giống với tiếng Anh hàng ngày. Qua phim, ta cũng có thể học được các từ dân dã và tiếng lóng chưa có trong từ điển tiếng Anh. Ví dụ, bạn có thể bắt gặp trong một bộ phim nào đó "Give me the freaking keys!" (Đưa tôi cái chìa khóa nào!) nhưng bạn không thể tìm được từ "freaking" (mang nghĩa nhấn mạnh) trong từ điển.

+ Bạn học được cách phát âm các từ: Phim giúp bạn tập phát âm, bên cạnh việc cung cấp ngữ pháp và từ vựng. Nếu bạn nghe nhiều người Mỹ hoặc người Anh nói, bạn sẽ có thể nói giống như họ.

+ Bạn hiểu được ngôn ngữ nói: Phim được sản xuất cho người bản xứ chứ không phải cho người học tiếng Anh, vì vậy, diễn viên nói nhanh, như người bản xứ nói chuyện hàng ngày.

+ Bạn cảm thấy yêu thích tiếng Anh: Khi nghe các diễn viên đối thoại, bạn hiểu được phần lớn những lời thoại đó, bạn thấy giọng tiếng Anh của họ thật duyên dáng và bạn sẽ thấy muốn nói được như họ. Ít nhất bạn cũng cảm thấy yêu và thích thú với ngôn ngữ đang học hơn rất nhiều.

2. Khó khăn khi xem phim tiếng Anh

Để xem được phim tiếng Anh bạn phải có một lượng từ tương đối lớn. Khác với khi đọc sách, bạn có thể tra từ điển thì khi xem phim, đối thoại diễn ra rất nhanh và nhiều khi không rõ. Nhưng bạn nên biết rằng, đôi khi ngay cả người bản xứ cũng không hiểu được một số đoạn đối thoại trong phim.

3. Khi xem phim không hiểu thì làm thế nào?

Nếu bạn không hiểu chỗ nào đó trong bộ phim hãy dừng lại và xem hình thật kỹ bởi hình ảnh trong phim là những gợi ý rất quan trọng trong quá trình hiểu ngôn ngữ nói của bạn.

Hầu hết các đĩa phim đều có phụ đề. Bạn sẽ không phải lo về những đoạn đối thoại nhanh và khó nghe – lời thoại đã được viết trên màn hình, và khi đó bạn có thể tra từ điển vì đã biết cách viết của từ đó.

Vấn đề là xem phim có phụ đề thì bạn sẽ lười – bạn sẽ không chịu nghe mà chỉ đọc phụ đề. Như thế bạn sẽ không luyện nghe được. Vì vậy, nên cố gắng xem phim không có phụ đề. Chỉ bật phụ đề lên khi quá khó, nghe đi nghe lại vẫn không hiểu.

4. Phần giới thiệu phim

Đây là điều quan trọng nhất: trước hết, bạn nên đọc giới thiệu về bộ phim rồi mới xem phim. Như vậy, khi xem phim bạn đã biết những từ cần thiết. Đây là cách tốt nhất để xem phim, vì:

+ Bạn sẽ rất thích thú khi hiểu được bản gốc của bộ phim. Bạn sẽ thấy rất hứng thú khi học một từ, và hiểu biết về từ đó giúp bạn thưởng thức bộ phim. Một khi đã cảm thấy thích thì bạn sẽ lại muốn học thêm nữa.

+ Bạn không cần phải dừng khi đang xem (hoặc dừng ít hơn) vì đã biết sơ qua về nội dung phim. Phần giới thiệu không giải thích được tất cả những câu khó trong phim nhưng giúp bạn hiểu hơn.

5. Một vài gợi ‎ý

Để học có hiệu quả hơn khi xem phim bạn nên làm như khi bạn đọc sách:

+ Chú ý‎ những gì bổ ích: từ/ cụm từ mới, ngữ pháp, cấu trúc…

+ Dùng từ điển để tra nghĩa: bạn có thể dừng phim để tra các từ lạ hoặc viết lại các câu rồi tra sau. Nhưng phải tra từ điển để hiểu nghĩa

+ Ghi những gì bổ ích vào sổ/ phần mềm ghi nhớ: nếu phim có phần giới thiệu bạn có thể lưu các câu trong phần giới thiệu lại trước khi xem phim, sau đó lưu thêm các từ bạn không hiểu khi xem phim để tìm hiểu thêm.

Chúc các bạn học được nhiều điều khi thưởng thức những bộ phim ưa thích bằng tiếng Anh!

Ghi nhớ - một chiến lược học tiếng Anh hiệu quả

003.jpgGhi nhớ - một chiến lược học tiếng Anh hiệu quả

Có rất nhiều ý kiến xung quanh việc học thuộc lòng trong quá trình học ngoại ngữ là xấu hay tốt. Nhưng theo kinh nghiệm và quan sát của rất nhiều giáo viên và học viên học tiếng Anh, ghi nhớ là một trong những phương pháp học tập rất có hiệu quả, giúp cho sinh viên có thể học và sử dụng tiếng Anh một cách nhuần nhuyễn và chính xác. Sự ghi nhớ được vận dụng một cách hợp lý có thể giúp sinh viên hệ thống hóa những gì mà họ đã được học để áp dụng vào việc giao tiếp thực sự.

Bản chất của quá trình học tiếng Anh là học thuộc lòng các luật ngữ pháp, các cấu trúc câu, các từ vựng và nghĩa của chúng. Như thế đủ thấy việc ghi nhớ trong quá trình học ngoại ngữ là quan trọng đến như thế nào. Rất nhiều các bài nghiên cứu cũng như từ điển đưa ra định nghĩa về “sự ghi nhớ” nhưng nhìn chung ghi nhớ là một quá trình thiết lập hệ thống thông tin trong trí nhớ. Nhớ là cố ý lưu giữ lại một điều gì đó trong não để khi cần thiết có thể phục hồi lại từ ngữ, ý nghĩa, hình ảnh hoặc âm thanh....

Người học tiếng Anh sử dụng sự ghi nhớ theo rất nhiều cách, từ việc học thuộc ý cho đến việc chép lại bài nhiều lần. Almad, một sinh viên Ả Rập, đã sử dụng sự ghi nhớ như một chiến lược học từ mới. Anh tra trong từ điển các từ mới, viết chúng và nghĩa của chúng bằng tiếng Ả Rập vào một quyển vở sau đó ghi nhớ nội dụng của quyển vở đó. Kết quả là anh đã học được rất nhiều từ.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta tán đồng cách học thuộc lòng như vẹt mà không hiểu gì. Ghi nhớ có hai cách: cách thứ nhất như chúng tôi đã nói - học như vẹt. Người học có lẽ sẽ rất thuộc bài, sẽ nói làu làu như cháo chảy nhưng khi được hỏi đến những vấn đề liên quan thì không trả lời được. Hoặc chỉ cần quên một ý hay một câu trong bài là họ sẽ quên hết cả bài đó. Cách ghi nhớ này hoàn toàn thụ động và quá lệ thuộc vào từng câu từng chữ của bài. Tuy nhiên, cách nhớ thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là một phương pháp học hiệu quả, nó được rất nhiều sinh viên vận dụng như một chiến lược học tập của mình.

Phương pháp này cũng gần giống như cách học thuộc lòng nhưng phải có sự hiểu sâu về vấn đề được học đồng thời biết vận dụng nó một cách linh hoạt vào trong giao tiếp. Người học phải biết ghi nhớ các điểm chính, các từ chủ điểm và hiểu rằng mình đang học cái gì. Cách ghi nhớ này giúp cho những thông tin cần thiết được lưu lại trong não một cách hệ thống và được sử dụng có hiệu quả trong những ngữ cảnh phù hợp. Ví dụ khi đọc một bài báo, dịch hoặc nghe một bài khóa thì người sinh viên giỏi sẽ biết chọn lựa và ghi chú các từ mới, cấu trúc mới sau đó sẽ lưu giữ chúng trong đầu cho các lần vận dụng sau. Hầu hết sinh viên đều công nhận rằng để ghi nhớ hiệu quả thì người học nhất thiết không được học thuộc lòng mà không hiểu gì. Đó phải là một quá trình chọn lọc một cách linh động, sáng tạo có sự kết hợp và tương tác giữa kiến thức cũ và kiến thức mới. Người học không được máy móc lệ thuộc y nguyên vào những gì đã được ghi nhớ mà phải linh hoạt ứng dụng chúng vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ khi đọc báo ta thấy một câu có chứa thành ngữ rất hay “We just pulled your legs” (Chúng tôi chỉ trêu anh thôi mà). Những gì mà ta cần nhớ ở đây là “pull sb’s legs” sau đó tùy từng trường hợp mà áp dụng. Ví dụ: “Don’t worry, I am just pulling their legs” (Đừng lo lắng, tớ chỉ trêu họ một chút thôi mà).

Sau đây là một số lợi ích mà cách nhớ này mang lại cho người học tiếng Anh:

+ Áp dụng được các từ, cụm từ, thành ngữ mới vào trong nói và viết.

+ Sử dụng tiếng Anh một cách chính xác và hiệu quả.

+ Có được sự phát âm chuẩn trong những cuộc đàm thoại hàng ngày.

+ Có khả năng phản ứng nhanh với những tình huống quen thuộc.

+ Diễn đạt ý tưởng rõ ràng trôi trảy, không bị ấp úng hay ngắt quãng giữa chừng

+ Tự tin, tự nhiên, thu hút được sự chú ý của người nghe.

+ Bài nói được chuẩn bị một cách kĩ càng do đó ngôn ngữ phát ra sẽ logic, chặt chẽ và hợp lý.

Có thể nói ghi nhớ là một phương pháp học hiệu quả nếu biết áp dụng đúng cách.Chúc bạn nhanh chóng làm chủ một vốn tiếng Anh phong phú, linh hoạt và đa dạng!

Những nhân tố cần thiết để học giỏi tiếng Anh

001.jpg Những nhân tố cần thiết để học giỏi tiếng Anh

Học tiếng Anh đòi hỏi phải hành động. Bạn có thể biết tất cả các bí quyết để học tiếng Anh thật tốt, nhưng nếu không bắt tay vào thực hiện những bí quyết đó thì bạn sẽ chẳng đạt được gì cả. Sự thật là, nếu bạn muốn nói được tiếng Anh, bạn phải thay đổi cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số ví dụ về những việc bạn sẽ phải làm.

+ Đọc một quyển sách tiếng Anh mỗi ngày một tiếng, phân tích ngữ pháp trong câu và tra từ trong từ điển tiếng Anh.

+ Nghe băng bán kèm các sách luyện nghe hay bất cứ băng đĩa tiếng Anh nào khác, thường xuyên cho dừng đoạn băng để cố hiểu đoạn đó nói gì và cố gắng bắt chước cách phát âm của người nói.

+ Dành cả buổi chiều tập phát âm cho được âm “r” trong tiếng Anh.

+ Cẩn thận viết một bức thư điện tử bằng tiếng Anh, cứ 20 giây lại sử dụng từ điển hoặc một công cụ tìm kiếm trên Web để đảm bảo từng từ bạn dùng đều đúng, và dành 5 phút để viết một câu.

+ Nghĩ về một câu tiếng Anh bạn đã đọc, tự hỏi liệu có thể dùng “a” thay cho “the” trong câu đó không, và cố tìm các câu tương tự trên Web để có được giải đáp.

+ Ra phố và tự đặt các câu tiếng Anh đơn giản trong đầu (nói chuyện một mình bằng tiếng Anh về những gì bạn nhìn thấy xung quanh).

Có thể bạn sẽ thắc mắc dạng người nào lại làm những việc kỳ quặc trên đây? Xin thưa, chỉ có một dạng thôi. Dạng người thích làm những việc đó. Nếu bạn muốn nói được tiếng Anh thì bạn cũng sắp trở thành dạng người này rồi đấy. Bạn không thể ghét làm những việc này được. Bạn đã bao giờ nghe thấy ai thành công bằng cách làm những việc anh ta ghét chưa?

Vấn đề đối với việc học và dạy tiếng Anh là tất cả người học đều muốn nói tiếng Anh thật giỏi; tuy nhiên, hầu hết lại không muốn dành thời gian để tự học tiếng Anh. (Đó có thể là lý do tại sao họ đăng ký học các lớp tiếng Anh với hy vọng giáo viên có thể “nhồi nhét” kiến thức vào đầu họ.)

Sự thiếu động lực này nghĩa là người học nói chung không chịu bỏ thời gian riêng của mình ra để học tiếng Anh, và nếu có thì cũng không đều đặn. Ví dụ, người học có thể học các cụm động từ suốt 12 tiếng đồng hồ trước một kỳ thi tiếng Anh, nhưng lại không chịu đọc một quyển sách tiếng Anh 30 phút mỗi ngày. Anh ta không cảm nhận được là học tiếng Anh cũng có cái thú vị riêng của nó, do đó anh ta chỉ học khi nào bị bắt buộc. Vấn đề là những nỗ lực đáng kể một lần chẳng mang lại cho bạn cái gì cả, trong khi đó, những hoạt động nhỏ nhặt hàng ngày lại rất hiệu quả.

Nếu bạn là một trong những người học giống như trên và không cảm thấy thích luyện phát âm âm “r” hay nghĩ về các câu tiếng Anh hàng ngày, thì chúng tôi có tin tức cho bạn đây: Bạn sắp sửa phải “ép” mình thích làm những việc đó. Nói cách khác, bạn sẽ phải làm gì đó để tác động vào động cơ thúc đẩy việc học của bạn.

Chia sẻ kinh nghiệm học Tiếng Anh

007.jpgChia sẻ kinh nghiệm học Tiếng Anh

Nghe, nói, đọc, viết, dịch là những kỹ năng mà học viên phải luyện tập thật sự thì mới mong có thể đạt được đến một trình độ khả dĩ.

Có rất nhiều cách để học và tùy từng người, từng giai đoạn mà phương pháp đó có thích hợp hay không.

Nếu chúng ta đưa ra những câu hỏi chung chung, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời tương tự. Kết quả là "đẽo cày giữa đường" - không đi đến đâu.

Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta có thể áp dụng một số điểm cần chú ý sau, cùng với sự kiên trì luyện tập hàng ngày, bạn sẽ tiến bộ và đạt được kết quả mong muốn.

1. Chọn một người hướng dẫn chuẩn.

2. Từ vựng: là gốc gác để phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, dịch... về sau. Nên phải học kỹ ngay từ đầu.

+ Luyện viết: tập viết nhiều dòng hàng ngày (ít nhất mỗi từ 5 dòng) để nhớ chính tả.

+ Luyện âm: vừa viết tập - vừa phát âm những từ đang viết và nghĩ về ý nghĩa, ngữ cảnh trong bài của từ đó. Lưu ý đến phần luyện âm, phải chuẩn. Nếu sai, chúng ta sẽ không nói chuẩn và nghe chuẩn trong tương lai.

+ Đặt câu: tập đặt câu, càng nhiều càng tốt với những từ mới theo những ngữ cảnh tương tự trong bài. Nhờ người hướng dẫn chỉnh sửa luôn. Đừng sợ sai. Nếu chúng ta đặt câu nhiều và được sửa chữa, vốn từ chúng ta mới phát triển và không sợ bị quên. (Từ sống - không chết: Trong đó từ được ví như hạt giống và văn cảnh như môi trường sống - đất và nước).

3. Ngữ pháp:

- Có vở ngữ pháp riêng và ghi chú những hiện tượng ngữ pháp theo sơ đồ dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ và lâu quên.

- Tự đặt câu theo những cấu trúc ngữ pháp và y/c Gv hướng dẫn sửa.

- Tham khảo và làm bài tập ngữ pháp trong Practical Grammar (trình độ sơ - trung cấp; luyện thi đại học ...); trong University Grammar, TOEFL, IELTS ... (trình độ nâng cao).

4. Luyện đọc:

Đọc những đoạn tin, bài đọc ngắn hàng ngày. Đọc to, rõ. Ngừng nghỉ đúng nhịp. Trong giai đoạn đầu, không cần đọc nhanh. Hãy tăng tốc độ dần dần. Nhưng sau khi đã ở trình độ trung, cao cấp thì bắt buộc phải chú ý đến trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu. Trong một câu cần chú ý đến những điểm nhấn trọng âm chính. Đọc chuẩn sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc nghe chuẩn theo băng hoặc đối thoại trực tiếp sau này.

Hãy kiên nhẫn luyện tập vì luyện tập tạo nên sự hoàn thiện

(Practice makes perfect!)

5. Luyện nghe:

Hãy tưởng tượng ta đang nghe một bản tin tiếng Việt 2 phút trên radio. Sau đó, hãy ghi lại những nội dung chính của bản tin đó. Nếu bạn là ghi được 70% nội dung chính: Bạn là người tuyệt vời. Còn nếu không, thì khi nghe tiếng Anh cũng vậy. Đừng buồn nếu bạn không nghe được nhiều. Bạn phải luyện tập thôi và đây là một số kinh nghiệm chia sẻ với bạn.

Giai đoạn 1: Sơ cấp - Trung cấp

B1: + Nghe cả đoạn: 3 lần để nắm nội dung chính.

B2: + Nghe từng câu một. Chú ý đến những điểm nhấn trọng âm, ngữ điệu. Nói lại theo băng, đĩa đến khi nào thấy nhuyễn thì thôi.

B3: + Nghe lại cả đoạn. Nói lại bằng tiếng Anh nội dung chính của đoạn vừa nghe.

Giai đoạn 2: Trung cấp (intermediate) trở lên.

B1: Nghe và chép chính tả. Đồng thời nhắc lại theo đúng trọng âm, ngữ điệu, nhịp điệu.

B2: Nghe và ghi lại nội dung chính của cả bài.

Giai đoạn 3: Nghe và nói lại nội dung chính của cả đoạn, bài.

Giai đoạn 4: Dành cho chuyên nghiệp.

Tập dịch cabin. Có nghĩa là băng, người nói tiếng Anh và mình dịch tiếng Việt và ngược lại. Lúc đầu chậm và sau nhanh dần.